A/ Dạo đầu
Từ các anh em kỹ thuật trong nhà máy cho đến nhà thầu, chủ đầu tư ngành lạnh ở khắp Việt Nam, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long không ít thì nhiều đã nghe nói đến sản phẩm mới của Danfoss – tổ hợp van ICF. “Tân binh” này được các chuyên gia trong và ngoài nước của Danfoss quảng bá rầm rộ nhằm mục đích chủ yếu là đẩy mạnh doanh số bán ICF của hãng.
Nhìn chung, van tổ hợp là một phát kiến đầy đột phá của phân khúc chi tiết đường ống (line components) trong ngành công nghiệp lạnh, với những thế mạnh sẽ được đề cập ngắn gọn dễ hiểu trong bài viết này. Bên cạnh đó, bài post cũng sẽ phân tích những nguyên nhân khả dĩ giải thích tại sao ICF vẫn chưa thay thế được dòng van truyền thống tại Việt Nam, chí ít là trong tương lai gần.
B/ Phân tích
i) Giới thiệu sơ lược ICF
Theo một cách cực kỳ dễ hiểu:
- Đối với dòng van truyền thống (Hình B.01): nếu muốn lắp đặt 1 đường làm lạnh, chúng ta phải mua 5 món hàng: van chặn (2 cái), lọc Y (1 cái), van điện từ (1 cái), van tiết lưu tay (1 cái), có hay không van 1 chiều tùy thiết kế.
Fig. B.01
- Trái ngược, đối với ICF (Hình B.02), muốn lắp đường làm lạnh với chức năng tương tự, chúng ta chỉ cần mua 1 món mà trong đó có sự kết hợp của tất cả những chức năng của van truyền thống đã liệt kê trên. Ngạc nhiên?
ii) Ưu điểm và lợi ích mà ICF mang lại cho người sử dụng
Những ai chưa từng nghe và nhìn qua ICF, nếu đã đọc đến đây thì chắc cũng đã thấy phần nào cái lợi mà bài viết chuẩn bị nói đến:
1/ Đơn giản hóa số lượng thiết bị: Đặt hàng 1 món <-> thay vì 5 món.
2/ Tiết kiệm chi phí vận chuyển: Trọng lượng + tổng kích thước đơn hàng giảm đáng kể. Nên biết trọng lượng và kích thước ảnh hưởng khá lớn đến giá vận chuyển.
3/ Tiết kiệm chi phí lắp đặt: Cái lợi hiển nhiên nhất – 2 mối hàn <-> thay vì 10 mối hàn. Chi phí nhân công (thợ hàn) + vật tư (que hàn, khí argon, ống nối,…) cũng góp phần không nhỏ vào giá lắp đặt.
4/ Đơn giản hóa và tiết kiệm thời gian lắp đặt: Đặc biệt, các dân lành nghề trong ngành lắp đặt đều hiểu rằng đối với dòng van truyền thống: bắt buộc phải tháo các chi tiết của các van chặn, van điện từ,… trước khi hàn, vì NẾU KHÔNG sẽ làm hư các ron Teflon khiến van bị rò khí. Đối lập, khi lắp hàn ICF, không cần phải tháo bất cứ chi tiết nào của van. Ngạc nhiên ? Nên biết, thời gian để tháo các chi tiết và lắp lại cũng không nhỏ, trong khi thời gian là tiền bạc.
5/ Đơn giản hóa quá trình cách nhiệt: Điểm cộng kế tiếp, cũng liên quan lắp đặt, đó là bảo ôn (cách nhiệt). Tưởng tượng thôi cũng có thể thấy rằng 5 món tách rời so với 1 món độc lập thì chắc chắn rằng 1 van ICF sẽ dễ dàng và nhanh hơn rất nhiều trong vấn đề bọc cách nhiệt. Foam + tole + gia công…
6/ Bảo trì: rõ ràng khi gom về một món, bảo trì + thay thế phụ tùng sẽ giảm mạnh đi độ phức tạp.
7/ Cải tiến: ICF được thế kế trên thân van có thể trích xuất lỗ tín hiệu (service port) => Sẽ có vài vị trí đường ống chúng ta không cần khoét lỗ để gắn đồng hồ áp. Hoặc dung port này để lấy tín hiệu xả đá gas nóng,… Tùy ý sử dụng hay không.
8/ Chuyển đổi sang môi chất CO2: nhà sản xuất ICF thiết kế ICF với định hướng tương lai: vì lý do môi trường, các môi chất như NH3 và các loại gas khác có nguy cơ bị hạn chế trong tương lai và nhiều khả năng CO2 sẽ là phương án thay thế khả dĩ nhất. Tuy nhiên dòng van truyền thống sẽ không thể phục vụ được nếu chuyển đổi sang CO2, trong khi ICF đáp ứng được. Tầm nhìn!
iii) Các lý do chính khiến dòng ICF vẫn thất thế so với van truyền thống
Qua mục (ii), chúng ta có thể tạm tính có ít nhất 7 cái lợi trước mắt, và 1 cái lợi tương lai mà ICF mang đến cho NGƯỜI SỬ DỤNG. Tại sao bài viết không đề cập lợi ích ICF mang lại cho NHÀ THẦU, vì có thể họ không thích các lợi ích này. Ngược lại, nhiều khả năng các nhà thiết kế hệ thống tại Việt Nam là một trong các nguyên nhân chính khiến ICF chưa thay thế được van truyền thống. Hãy khảo qua các giả thuyết sau:
- Tâm lý ngại thay đổi
Đây là đặc tính khá quen của người Việt khi nói đến chuyện thay đổi một thói quen lâu năm. Hơn nữa, có hay không dùng ICF cũng không phải chuyện liên quan đến sống còn của ngành công nghiệp lạnh nói riêng ở đất nước này.
- “Cái lợi trước mắt” quá lớn
Những lợi ích lâu dài của ICF có vẻ như bị lu mờ vì có một sự thực hiển nhiên van truyền thống rẻ hơn ICF (so sánh cùng chức năng). Trong khi đó, đa số các nhà đầu tư ở Việt Nam “tánh thì nóng – nhưng võ công không có”, nên họ thường mong muốn chi phí đầu tư ban đầu thấp nhất có thể, để nhận được “hỗ trợ” tối đa từ ngân hàng.
- Ai dám hạn chế sản xuất van truyền thống?
Không riêng gì Danfoss, chưa có nhà sản xuất van nào dám “chơi lớn” ra thông báo ngưng sản xuất dòng van truyền thống để đẩy mạnh cung cấp ICF. Đây chẳng khác gì một hành động tự sát vì thiết bị ngành lạnh không phải sân chơi riêng của của bất cứ manufacturer nào.
- ICF có mang lợi ích cho nhà thầu?
Nhìn kỹ vào những lợi ích mà ICF mang đến, rõ ràng nếu có chủ đầu tư nào chịu chơi, chắc chắn công ty đó sẽ có được những ưu thế của sản phẩm này. Và nếu, chủ đầu tư này thông minh, ông ấy sẽ “soi kỹ” vào chi phí lắp đặt của nhà thầu. Vì đơn giản, lắp đặt ICF tiết kiệm đáng kể về: thời gian, vật tư phụ, nhân công,… Tất cả đều quy ra tiền trong hợp đồng. Mà nhà thầu thì xem ra không thích concept này, vì những cái “được tiết kiệm” đó lẻ ra góp phần vào lợi nhuận của họ.
C/ Kết luận
ICF được nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá là một sản phẩm đầy triển vọng. Hơn thế nữa, nhiều nhà máy mới trên thế giới đã mạnh tay đầu tư công nghệ này. Tuy nhiên, để quảng bá và thuyết phục người dùng ở Việt Nam lại là một câu chuyện rất khác, nơi mà văn hóa kinh doanh + nội lực tài chính của các doanh nghiệp còn hạn hẹp. Để đạt được mục tiêu mở rộng thị trường dành cho ICF, có vẻ như nhà sản xuất còn phải cố gắng nhiều nữa, với những bước đi đúng đắn hơn.